Giao thừa là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa, các hoạt động đêm giao thừa
Giao thừa là thời khắc vô cùng quan trọng trong ngày đầu năm mới đối với người dân Việt Nam. Là lúc mà chúng ta phải tạm biệt đi năm cũ và chào đón những hy vọng tốt đẹp trong năm mới. Đón giao thừa cũng là một phong tục tập quán không thể thiếu được trong các gia đình vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Vậy bạn có biết Giao thừa là gì? Chúng bắt nguồn từ đâu? Có ý nghĩa như thế nào? Nếu chưa hãy cùng PATO tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
NỘI DUNG CHÍNH [Ẩn]
Giao thừa là gì?
Giao thừa là lúc 0 giờ: 0 phút: 0 giây là thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới. Theo quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam thì đây chính là thời khắc mà đất trời giao hoà, lúc âm dương hòa quyện làm bừng lên sức sống của muôn vàn sự vật trên trái đất. Theo từ điển Hán Việt thì “giao thừa” mang ý nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Năm cũ qua, năm mới đến”.
Đêm giao thừa là khoảng thời gian từ 23h ngày 29 hoặc 30/12 âm lịch (tuỳ thuộc vào số ngày của tháng 12 năm đó) đến 1h ngày 1/1 âm lịch kế tiếp và còn có tên gọi khác là Trừ tịch - một đêm được coi là linh thiêng nhất trong năm.
>> Xem thêm: Nguồn gốc Tết Nguyên đán là gì? Những điều thú vị về Tết Âm lịch
Nguồn gốc của giao thừa
Theo như dân gian truyền lại thì Giao thừa có nguồn gốc từ một phong tục cổ truyền của người dân Việt xa xưa. Theo quan niệm thì đêm giao thừa là lúc mọi người tổ chức đón tiếp các vị Thiên binh (hay còn gọi là 12 vị Hành khiển). Đây chính là 12 Phán quan tượng trưng cho 12 con giáp được nhà trời giao cho trọng trách trông coi việc hạ giới và sẽ luân phiên nhau theo từng năm.
Vào từng năm sẽ có một vị Hành khiển được phái xuống cai quản hạ giới và các năm tiếp theo sẽ lần lượt đến các vị quan tượng trưng cho con giáp kế tiếp. Cứ như vậy cho đến hết 12 vị quan của 12 con giáp thì lại tiếp tục trở lại vị quan đầu tiên, đây là vòng tuần hoàn nối tiếp nhau và sẽ không bao giờ kết thúc. Và giao thừa cũng chính là thời điểm mà các vị quan cũ sẽ bàn giao lại công việc cho quan mới đến tiếp nhận.
Theo dân gian Việt Nam, mọi người tin vào việc sau khi về trời các quan sẽ dâng tấu sớ kể về chuyện trần gian một năm qua và từ đó Ngọc Hoàn sẽ bạn phúc hoặc trừng phạt con người trong năm tới. Chính vì vậy thời khắc giao thừa trở thành thời khắc quan trọng nhất năm, quyết định những điều năm tới mà gia đình mình gặp may mắn hay đau khổ nên mọi người thường chuẩn bị mâm cúng một cách chỉn chu nhất để đón tiếp các vị quan.
Cũng theo phong tục xưa thì các vị Thiên binh Hành khiển khi xuống trần sẽ rất bận nên chỉ đi diễu hành bên ngoài mà không thể vào được từng nhà. Chính vì lẽ đó, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng ngoài trời, trước cửa chính. Các vị quan Hành khiển và phán quan sẽ được chia theo các năm phụ thuộc vào năm con giáp:
Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.
Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.
Vạn vật trên đời sinh ra đều cân bằng có ác thì cũng có hiền, có hạnh phúc thì cũng có đau khổ. Và các Phán quan Hành khiển cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Nếu năm mới gặp được vị hành khiển nhân từ, đức độ thì người dân sẽ có một năm no đủ, hạnh phúc, tai qua, nạn khỏi. Ngược lại, nếu gặp một vị hành khiển đang giận dữ thì năm đó người dân cũng sẽ phải gánh chịu nhiều thiên tai, bệnh tật, đói kém.
Ý nghĩa của Giao thừa
Đêm Giao thừa đánh dấu mốc năm cũ kết thúc và một năm mới sẽ đến. Chính vì vậy thời khắc này mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người người, nhà nhà.
Giao thừa Tết Nguyên đán sẽ giúp mọi người xua đuổi tà khí, ma quỷ, những điều tồi tệ, xấu xa của năm cũ đi và mang đến những may mắn, thành công đến trong năm mới. Đây cũng là khoảng thời gian yên bình, thoải mái cho phép con người có thể giũ bỏ hết những muộn phiền trong đầu và bình tâm để chào đón sự thiêng liêng nhất của đất trời vào thời khắc quan trọng của năm.
Giao thừa cũng là lúc mà mọi gia đình của thể quay quần bên nhau sau một năm cố gắng, phấn đấu, ngao du tứ phương vì sự nghiệp, là khoảnh khắc sum vầy hiếm hoi trong năm. Vì lẽ đó nên mọi người càng trân trọng hơn những khoảnh khắc này.
>> Xem thêm: Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh, sinh viên, cán bộ
Các phong tục tập quán ngày giao thừa
Giao thừa là ngày lễ truyền thống của dân tộc nên vào ngày này có rất nhiều phong tục tập quán cổ truyền cần mọi người, mọi nhà thực hiện để có thể chào đón năm mới bình an, hạnh phúc.
1. Cúng giao thừa
Vào đúng thời khắc 0 giờ: 0 phút: 0 giây của ngày mùng 1 tháng 1 theo lịch âm thì mỗi gia đình cần chuẩn bị 2 mâm lễ cúng. Một mâm cúng ngoài trời để chào đón các vị Phán quan, Hành khiển. Mâm còn lại là để cúng gia tiên tại bàn thờ gia đình.
Đây có thể coi là phong tục tập quán quan trọng nhất trong đêm giao thừa. Điều này tượng trưng cho việc gia chủ thể hiện lòng biết ơn với đất trời, với gia tiên tiền tổ đồng thời cũng là cầu mong cho một năm mới gặp được nhiều may mắn, thành công hơn năm cũ. Trút bỏ đi mọi muộn phiền, âu lo, gánh nặng của năm cũ.
2. Tổ chức bữa cơm tất niên
Sau khi dâng cơm cúng đất trời, tổ tiên thì con cháu có thể hạ lễ xuống và cùng nhau ăn bữa cơm tất niên bên tất cả các thành viên trong gia đình. Đây sẽ là bữa cơm của sự sum vầy, bữa cơm đoàn tụ sau một năm bôn ba khắp đất trời. Là thời khắc mọi người được bên nhau sẻ chia mọi chuyện vui buồn, mọi kỷ niệm mà mình đã trải qua trong một năm qua để có thẻ thấu hiểu cùng nhau.
3. Xông nhà
Xông nhà là một nghi thức được rất nhiều người coi trọng bởi vậy sẽ chọn ra người hợp tuổi, hợp vía với gia chủ để bước vào nhà mình đầu tiên ngay khi chuông đồng hồ điểm khoảnh khắc năm mới đến. Người được chọn sẽ ra khỏi nhà trước lúc 0h sau đó có thể ra các đền, chùa xin hương, hái lộc mang về cho gia đình. Theo quan niệm truyền thống thì phong tục này tượng trưng cho việc có thể mang về cho nhà mình những sự tốt đẹp, hạnh phúc trong năm mới.
4. Hái lộc
Hái lộc đêm giao thừa là việc xin một cành cây (tốt nhất là cành lộc) mang về dâng lên bàn thờ của gia tiên nhà mình. Hành động nào là biểu hiện của việc xin “lộc” đất trời, thần phật. Mang lộc về nhà là mang những điều may mắn về với gia đình, mang những vui vẻ, hạnh phúc về cho năm mới.
5. Chọn hướng xuất hành
Với phong tục chọn hướng xuất hành này có lẽ còn nhiều người không rõ. Chọn hướng xuất hành chính là chọn giờ và hướng cho lần đầu tiên bước ra khỏi nhà trong năm mới, cần lựa chọn để hợp với năm tuổi của mình giúp mọi bước đi trong năm mới có thể thuận lợi và gặp nhiều may mắn hơn.
6. Mua muối
Theo dân gian thường nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vàng” bởi muối mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, xui xẻo giúp cho mọi người thuận lời, gia đình đoàn kết, sức khỏe tốt, anh em thuận hoà. Chính vì lẽ đó nên vào đêm giao thừa mọi người sẽ mua cho mình một túi muối nhỏ để mang về nhà cầu chúc cho năm mới có thể xóa tan mọi điều không may và gặp nhiều hạnh phúc.
7. Chúc Tết
Bước sang những giây phút đầu tiên của năm mới một việc mà ai ai cũng làm đó là dành cho nhau những lời chúc Tết. Gửi đến những người mình yêu thương lời chúc năm mới mang ý nghĩa cầu mong một năm mới nhiều điều may mắn, công việc suôn sẻ, gia đình thuận hoà và thành công trong những dự định.
>> Xem thêm: Các phong tục ngày Tết Nguyên đán của người Việt độc đáo, thú vị
Như vậy, bài viết trên PATO đã mang đến cho các độc giả những thông tin hữu ích về ngày Giao thừa ở Việt Nam. Nếu bạn muốn biết thêm nhiều điều thú vị về ngày Tết Nguyên đán thì hãy theo dõi ngày Chuyên mục Văn hoá Việt Nam tại BLOG PATO nhé.