Giỏ hàng

TÌM KIẾM

×

LỌC THEO

×

Tết trung thu xưa khác Tết trung thu nay như thế nào?

Cuộc sống ngày càng phát triển, hiện đại hóa nên những giá trị truyền thống cũng dần phai nhạt đi. Cùng PATO ngược về quá khứ, tìm hiểu nét đẹp của Tết trung thu xưa trong bài viết dưới đây.

NỘI DUNG CHÍNH [Ẩn]

    Hình ảnh Tết trung thu ngày xưa

    Tết trung thu xưa mang vẻ đẹp hoài cổ, yên bình và rất “Việt Nam”. Dưới đây là chùm ảnh ghi lại những khoảnh khắc mùa trung thu của nước ta ngày xưa.

    Gian hàng bày đồ chơi trung thu 

    Một gian hàng bánh trung thu ngày xưa

    Chợ trung thu Hà Nội năm 1987

    Múa lân trung thu xưa

    Trẻ em rạng rỡ với chiếc đèn ông sao 

    Mâm cỗ trung thu ngày xưa bày biện rất nhiều hoa quả

    Xem thêm: Tết Trung thu là gì? Những điều cần biết về Tết Trung thu

    Mâm cỗ trung thu truyền thống

    Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển nên mâm cỗ trung thu ngày nay cũng được chuẩn bị vô cùng đầy đủ. Tuy nhiên mâm cỗ Trung thu truyền thống chỉ gồm một vài thứ rất đơn giản.

    Mâm ngũ quả

    Mâm ngũ quả ngày nay được sáng tạo với rất nhiều loại hoa quả được cắt tỉa tỉ mỉ, sống động. So với bây giờ thì mâm ngũ quả ngày xưa chỉ gồm 5 loại quả: dưa hấu, hồng đỏ, bưởi, na, đu đủ với những ý nghĩa riêng:

    Quả hồng đỏ tượng trưng cho sự hy vọng

    Quả na tượng trưng cho sự sinh sôi

    Quả dưa hấu cầu mong bình an

    Quả đu đủ thể hiện sự đủ đầy

    Quả bưởi biểu trưng cho sự vẹn toàn, sum vầy.

    Mâm ngũ quả truyền thống 

    Bánh trung thu cổ truyền

    Bánh trung thu cổ truyền chỉ có 2 vị là thập cẩm và đậu xanh.

    Bánh nướng có vỏ mỏng, giòn tan, phần nhân béo ngậy của lạp xưởng và mỡ đường, đặc biệt thơm mùi lá chanh và các loại nguyên liệu khác hòa quyện. Bánh dẻo thì phải dẻo nhưng không dính, có vị ngọt sắc, thơm đặc trưng mùi bột nếp và nước đường hoa bưởi.

    Chiếc bánh nướng cổ truyền

    Khuôn bánh sẽ dùng khuôn gỗ đúc thay vì khuôn lò xo như hiện nay. Khuôn bánh nướng bao giờ cũng là hình vuông, bánh dẻo là hình tròn, tượng trưng cho đất và trời. 

    Bánh dẻo của trung thu xưa

    Xem thêm: Calo trong bánh trung thu và cách ăn bánh trung thu ít béo

    Đồ chơi trẻ em trong ngày Tết trung thu xưa

    Các món đồ chơi trung thu Việt Nam truyền thống thường gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước và đều được làm thủ công bằng các nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cối. 

    Đèn ông sao

    Đây là món đồ chơi vô cùng quen thuộc với trẻ em của cả ngày xưa và hiện nay. Đèn ông sao có 5 cánh, tâm sao gắn 1 cây nến nhỏ và được bao bằng giấy bóng kính nhiều màu. 

    5 cánh của đèn ông sao tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm của người phương Đông, vì thế đèn ông sao có tác dụng xua đuổi ma quỷ, cầu mong sự may mắn, bình an.

    Chiếc đèn ông sao luôn sống trong ký ức của nhiều người

    Đèn kéo quân

    Ngoài đèn ông sao thì đèn kéo quân cũng là món đồ chơi được trẻ em mong đợi nhất trong dịp trung thu xưa

    Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Món đồ chơi độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo biết quay tròn kéo theo vô số các hình, dân gian gọi là các “quân”.

    Đây là món đồ chơi “vui mà học”, dạy trẻ nhỏ về lịch sử, giáo dục lòng yêu nước. Vì thế các “quân” thường là các đoàn quân xung trận hoặc nói về việc nghĩa. 

    Đèn kéo quân khi xưa là món đồ chơi được trẻ em say mê

    Trống bỏi

    Trống bỏi là đồ chơi trung thu không thể thiếu trong bữa tiệc vui đêm trăng của thiếu nhi ngày xưa. 

    Mặt trống được nặn từ đất sét, chỉ lớn hơn đồng xu 1 chút, cắm que sắt vào 2 bên sườn rồi phơi khô. Sau đó 2 mặt trống được bọc kín bằng giấy đỏ, buộc dây, tra cán và làm dùi cho trống. 

    Khi quay trống bỏi sẽ phát ra tiếng tạch tạch đanh gọn rất vui tai.

    Chiếc trống bỏi nhỏ xinh trong trung thu xưa

    Mặt nạ giấy bồi

    Loại đồ chơi này được làm từ giấy xé vụn và đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và được kết dính với nhau bằng hồ dán làm từ bột sắn. Sau đó sẽ được nghệ nhân phơi khô rồi tỉ mỉ vẽ màu lên từng chiếc mặt nạ.

    Mặt nạ giấy bồi có rất nhiều hình dạng khác nhau, với mỗi hình dáng đều mang một ý nghĩa riêng, mang đậm văn hóa phương Đông.

    Dưới ánh trăng rằm, trẻ em đeo mặt nạ giấy bồi cùng ngân nga khúc đồng dao như sự hài hòa của thiên - địa - nhân, cầu mong một cuộc sống ấm no, sung túc và sức khỏe dồi dào.

    Mỗi chiếc mặt nạ đều có ý nghĩa văn hóa riêng

    Tàu thủy sắt tây

    Tàu thủy sắt tây là thứ đồ chơi trung thu đặc biệt với nhiều người trong thời kỳ bao cấp. Món đồ chơi thủ công này mang đậm tính sáng tạo của người Việt. 

    Qua bàn tay của người thợ, những vỏ lon sữa bò, mảnh sắt bỏ đi không có hình dáng gì được tạo hình rõ nét trở nên sống động, đẹp xinh và có thể chạy được trên mặt nước với hình ảnh lá cờ Tổ quốc gắn ở mũi tàu.

    Món đồ chơi ao ước của trẻ em trong trung thu xưa

    Tết trung thu xưa và nay

    Xã hội ngày càng phát triển thì phong cách sinh hoạt, lễ Tết cũng thay đổi theo. Tết trung thu xưa và nay cũng có sự khác biệt rất lớn.

    Bánh trung thu

    Bánh trung thu ngày nay được sản xuất công nghiệp với đa dạng hương vị, màu sắc: vi cá, bào ngư, đậu đỏ, nhân chảy, nhân mặn… hay bánh cho người ăn kiêng. 

    Khuôn đúc cũng không còn cố định trong chiếc khuôn gỗ ngày xưa nữa, mà được làm đủ hình thù khác nhau với hoa văn tinh xảo. Các loại bao bì, túi đựng cũng được thiết kế mới mẻ hơn phù hợp với thị hiếu người dùng.

    Bánh trung thu hiện đại đủ hình dáng và màu sắc

    Mâm cỗ trung thu

    So với mâm cỗ truyền thống chỉ gồm 5 loại quả, thì mâm cỗ trung thu hiện đại đã phong phú với nhiều hoa quả và bánh kẹo nhập hơn. 

    Trái cây được cắt tỉa rất khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo như con chó bằng quả bưởi, con công bằng táo hay dưa vàng… Vì thế mà mâm cỗ ngày nay vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống những đã thêm phần bắt mắt và trang trọng hơn.

    Mâm cỗ trung thu hiện đại phong phú hơn hẳn so với trung thu xưa

    Trò chơi trung thu

    Trò chơi trung thu xưa chỉ xoay quanh đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, những chiếc mặt nạ giấy bồi và các trò bịt mắt bắt dê, trốn tìm, hát đồng dao… 

    Hiện nay trẻ em được thỏa sức lựa chọn vô số loại đồ chơi bằng nhựa, bằng pin hay sạc điện. Trò chơi cũng thay dần bằng các trò hiện đại như các trò điện tử, bằng điện thoại hay tivi.

    Các trò chơi hiện đại thay thế dần trò chơi dân gian

    Trên đây là những hình ảnh và thông tin về trung thu xưaPATO muốn giới thiệu với bạn. Mong rằng những giá trị văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Đừng quên xem thêm các bài viết chia sẻ thông tin và công thức nấu ăn hữu ích khác tại blog PATO.